Nổi Mẩn Ngứa (Phát Ban) Là Bị Gì? Có Nguy Hiểm Không?

nổi mẩn ngứa Nổi mẩn ngứa là triệu chứng thường gặp trên da có liên quan đến một số bệnh da liễu

Nổi mẩn ngứa (phát ban) là bị gì?

Nổi mẩn ngứa (phát ban) đề cập đến tình trạng da bị nổi các mảng hoặc các nốt nhỏ có màu sắc khác biệt so với màu da thông thường. Đi kèm với đó là tình trạng ngứa ngáy khó chịu.

Tổn thương có thể ảnh hưởng khu trú trên một vài vùng da nhỏ. Tuy nhiên trong một số trường hợp, tình trạng phát ban có thể ảnh hưởng trên phạm vi rộng, thậm chí lan tỏa khắp người.

Một số nguyên nhân phổ biến gây nổi mẩn ngứa trên da bao gồm:

1. Mề đay mẩn ngứa

Nổi mề đay mẩn ngứa là bệnh lý da liễu thường gặp đề cập đến phản ứng của da khi có các yếu tố kích thích. Mề đay có biểu hiện tương đối đa dạng. Tuy nhiên đa phần đều có các dấu hiệu nổi các sẩn, mảng, bờ tròn, cộm có màu hồng gây ngứa nhẹ.

Đi kèm với tình trạng tổn thương trên da là cảm giác ngứa ngáy từ nhẹ cho đến dữ dội. Khi bị nổi mề đay, các sang thương da sẽ tự biến mất sau vài phát, vài giờ cho đến vài ngày. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp cần phải can thiệp điều trị.

Nổi mề đay thường là một phần của phản ứng miễn dịch do tác nhân vật lý, thuốc, chất dị ứng, bệnh truyền nhiễm,… Do đó các chất trung gian có thể được giải phóng vào trong cổ họng và đường ruột. Từ đó kích hoạt các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, ngứa cổ họng, phù nề mặt, môi, khó thở,…

2. Viêm da cơ địa

Nổi mẩn ngứa (phát ban) trong nhiều trường hợp có thể là dấu hiệu của bệnh viêm da cơ địa. Đây là thể lâm sàng thường gặp của bệnh chàm, có xu hướng khởi phát chủ yếu ở trẻ em từ 0 – 5 tuổi, tiến triển dai dẳng trong nhiều năm.

Trong giai đoạn khởi phát, viêm da cơ địa gây ra các đám tổn thương da có màu hồng hoặc đỏ với các kích thước và hình dáng không đồng nhất. Đi kèm với sang thương trên da là các triệu chứng ngứa ngáy nhẹ và nóng rát.

nổi mẩn ngứa là bị gì Nổi mẩn ngứa trong nhiều trường hợp là do bệnh viêm da cơ địa gây ra

Sau một thời gian, bề mặt các mảng ban da có thể xuất hiện mụn nước mọc rải rác hoặc tập trung. Các nốt mụn nước này rất dễ bị vỡ khiến da bị rỉ dịch, sau đó đóng vảy tiết. Bệnh viêm da cơ địa có thể phát triển mãn tính với tổn thương điển hình là da bị dày sừng, nứt nẻ và thâm nhiễm.

3. Viêm da tiếp xúc gây nổi mẩn ngứa

Nổi mẩn ngứa là một trong những triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm da tiếp xúc. Căn bệnh da liễu này thường khởi phát sau khi có tiếp xúc với mủ thực vật, dịch tiết côn trùng, mỹ phẩm, ánh sáng hoặc ma sát mạnh với giày dép, quần áo.

Sau khi xảy ra tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, trên da sẽ xuất hiện tổn thương dạng ban đỏ có bề mặt nhẵn mịn. Nhiều trường hợp còn bị nổi mụn nước hoặc bọng nước. Phát ban do viêm da tiếp xúc thường có kích thước và hình dáng đa dạng.

Trường hợp bị viêm da tiếp xúc do côn trùng, mủ thực vật và hóa chất thì trên da thường xuất hiện mụn nước lớn, phồng rộp, rỉ dịch. Đi kèm với đó là tình trạng châm chích, ngứa ngáy và nóng rát. Sau khoảng 5 – 7 ngày thì các tổn thương sẽ khô lại và bắt đầu phục hồi.

4. Dị ứng thời tiết

Dị ứng thời tiết đề cập tới tình trạng hệ miễn dịch phản ứng thái quá với các yếu tố thời tiết. Chẳng hạn như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, gió,… Tình trạng này xảy ra phổ biến trong giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ quá nóng mức hay khô lạnh.

Triệu chứng của dị ứng thời tiết có sự khác biệt ở mỗi người do cơ địa và các yếu tố tác động. Trong đó, rất nhiều người bị phát ban da và ngứa ngáy. Tình trạng nổi mẩn ngứa do dị ứng thời tiết thường có kích thước và hình dáng đa dạng nhưng trên bề mặt không bị nổi mụn nước.

5. Côn trùng cắn

Đa phần các loại côn trùng đều chứa nọc độc và các chất gây kích ứng. Do đó, khi bị côn trùng cắn, rất nhiều người bị nổi mẩn đỏ, phát ban da, ngứa ngáy và khó chịu. Nổi mẩn ngứa có thể là do tiếp xúc với một số loại côn trùng như kiến ba khoang, bọ ve, rệp, sâu.

Hệ miễn dịch khi phát hiện ra độc tố từ côn trùng sẽ sản sinh IgE nhằm đối kháng lại. Đồng thời kích hoạt giải phóng histamin vào da. Hệ quả là khiến cho làn da bị phát ban kèm theo tình trạng ngứa ngáy và khó chịu.

6. Vết loét lạnh

Vết loét lạnh là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng nổi mẩn ngứa với các mụn nước nhỏ xuất hiện trên môi hoặc xung quanh miệng do virus herpes simplex gây ra. Bệnh thường bắt đầu với cảm giác ngứa ran và nóng rát ở xung quanh miệng.

Sau đó, các vết loét nhỏ chứa đầy dịch bắt đầu xuất hiện (thường ở cạnh vùng môi dưới). Sau 7 – 10 ngày chúng có thể tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại kem chống virus để làm giảm triệu chứng và tăng tốc thời gian phục hồi.

7. Trẻ bị nổi mẩn ngứa do hăm tã

Tình trạng nổi mẩn ngứa diễn ra rất phổ biến ở đối tượng trẻ nhỏ. Trong đó, ở những trẻ dưới 3 tuổi thì nguyên nhân thường là do hăm tã. Đây là một dạng viêm da cấp tính xảy ra do ma sát giữa tã quần và da. Điều này khiến làn da của bé bị kích thích, nổi mẩn đỏ, trợt loét, đau rát và ngứa ngáy.

Các vết ban đỏ do hăm tã thường xuất hiện ở vùng bẹn và một. Bề mặt ban có thể nổi các nốt mụn nước li ti, sưng đỏ và phù nề. Tổn thương da có thể đi kèm với các triệu chứng ngứa ngáy, đau nhẹ và nóng rát rất khó chịu.

Đa số các trường hợp trẻ bị hăm tã đều có mức độ nhẹ và thường thuyên giảm nhanh chóng khi được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên nếu vệ sinh cơ thể kém thì làn da của bé có thể bị trợt loét, chảy máu và viêm nhiễm.

8. Nổi mẩn ngứa do rôm sảy

Cũng giống như hăm tã, rôm sảy là tình trạng da liễu xuất hiện phổ biến ở trẻ nhỏ. Rôm sảy điển hình bởi sự xuất hiện của các chấm nhỏ màu đỏ trên da. Bề mặt các nốt mẩn có thể xuất hiện mụn nước có dịch trong hoặc mủ trắng.

Nguyên nhân gây ra chứng rôm sảy thường là do tuyến mồ hôi bị rối loạn. Từ đó dẫn tới tình trạng ứ đọng bã nhờn trong nang lông, khiến da bị viêm đỏ, ngứa ngáy và nóng rát. Một số trường hợp có thể bị ngứa nhiều kích hoạt phản ứng cào gãi khiến da trầy xước, chảy máu.

9. Các nguyên nhân khác

Ngoài các nguyên nhân thường gặp đã nêu, tình trạng nổi mẩn ngứa (phát ban) còn có thể kích hoạt do một số yếu tố khác. Chẳng hạn như:

  • Dị ứng mỹ phẩm, hóa chất
  • Tác dụng phụ của thuốc Tây
  • Căng thẳng quá mức
  • Nhiễm nấm
  • Dị ứng thức ăn
  • Các bệnh bên trong cơ thể
  • Phát ban nhiệt
  • Vệ sinh da kém

Nổi mẩn ngứa (phát ban) có nguy hiểm không?

Nổi mẩn ngứa (phát ban) là tình trạng diễn ra phổ biến, bất cứ ai cũng có thể gặp phải một vài lần trong đời. Tình trạng phát ban đa phần đều diễn ra đột ngột, cấp tính và có xu hướng thuyên giảm sau khoảng vài giờ cho tới vài ngày.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nổi mẩn ngứa là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý da liễu thường gặp. Chẳng hạn như viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, bệnh ghẻ,… Lúc này tổn thương da thường có xu hướng kéo dài. Hơn nữa còn tiến triển nặng, dễ bị viêm nhiễm và tiềm ẩn nhiều biến chứng khác.

Tình trạng nổi mẩn ngứa kéo dài gây ra rất nhiều khó chịu cho người bệnh. Nó ảnh hưởng đến giấc ngủ và gây phiền toái cho cuộc sống thường ngày. Ngoài ra, tổn thương trên da còn ảnh hưởng tới thẩm mỹ và khiến người bệnh cảm thấy ngại ngùng khi gặp gỡ, giao tiếp.

Ở những người có cơ địa dễ dị ứng thì phát ban còn có khả năng kích hoạt cùng với các triệu chứng phù mạch và sốc phản vệ. Nếu phát hiện các triệu chứng ngứa cổ họng, sưng mí mắt, khó thở, suy hô hấp,… thì cần đến bệnh viện ngay lập tức. Cấp cứu chậm trễ có thể khiến cho tính mạng bị đe dọa.

Cách cải thiện chứng nổi mẩn ngứa hiệu quả

Nhiều trường hợp nổi mẩn ngứa có xu hướng tự thuyên giảm chỉ sau một thời gian ngắn. Ngoài ra việc áp dụng các mẹo chữa tại nhà hoặc tắm lá thảo dược có thể giúp làm giảm nhanh triệu chứng, làm dịu da và chống viêm hiệu quả.

Tuy nhiên trong một số trường hợp, tình trạng phát ban có thể kéo dài dai dẳng. Hơn nữa tổn thương da còn tiến triển nặng và đi kèm với các triệu chứng đáng quan ngại. Lúc này cần chủ động thăm khám và can thiệp điều trị y tế.

Dưới đây là một số cách chữa nổi mẩn ngứa (phát ban) thông dụng:

1. Cách ly với các yếu tố rủi ro

Cách ly với các yếu tố rủi ro là biện pháp rất quan trọng giúp kiểm soát tình trạng da nổi mẩn ngứa. Trường hợp tiếp xúc với các yếu tố gây kích thích trong thời gian dài thì làn da có thể bị viêm đỏ nặng nề và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Để tránh tổn thương da tiến triển nặng, cần cách ly với các yếu tố sau:

  • Tránh tiếp xúc với các yếu tố dễ gây dị ứng như lông thú, côn trùng, bụi bẩn, nấm mốc, mủ thực vật, kim loại, hóa chất,…
  • Chú ý xem xét bảng thành phần của các sản phẩm làm sạch và dưỡng da. Trường hợp nghi ngờ sản phẩm đang dùng chứa thành phần gây kích ứng thì cần dừng lại ngay. Đồng thời thay thế bằng các sản phẩm lành tính, có thành phần thiên nhiên.
  • Lựa chọn các loại tã mềm, thấm hút tốt cho trẻ. Các mẹ chú ý thay tã cho bé thường xuyên để làm giảm ma sát với vùng bẹn và mông.
  • Tránh sử dụng thực phẩm và các loại đồ uống dễ gây dị ứng như cà phê, hải sản, đậu phộng, nấm, rượu bia,…
  • Nếu thời tiết quá nóng nên dùng quạt hoặc máy lạnh để làm mát không khí. Đồng thời mặc quần áo rộng thoáng, mềm mại và thấm hút tốt để hạn chế ma sát, kích ứng da.

2. Tắm nước lá thảo dược

Nhiều người bị nổi mẩn ngứa (phát ban) trên diện rộng, thậm chí là khắp toàn thân. Lúc này có thể áp dụng mẹo tắm nước lá thảo dược để khắc phục. Đây là cách trị nổi mề đay mẩn ngứa dân gian hiệu nghiệm, đến nay vẫn còn được dùng phổ biến.

– Tắm nước lá khế:

Lá khế là thảo dược quen thuộc trong vườn nhà có tác dụng làm giảm ngứa và giảm sưng hiệu quả. Ngoài ra, trong lá khế còn có các thành phần hợp chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất. Chúng sẽ giúp thúc đẩy tốc độ tái tạo tế bào da và tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho da.

Chỉ cần chuẩn bị 200g lá khế rửa sạch với nước muối loãng. Sau đó cho vào nồi đun sôi cùng 3 lít nước trong 10 phút. Pha thêm với nước lạnh cho ấm rồi dùng để tắm khoảng 10 – 15 phút. Thực hiện đều đặn 1 lần/ ngày trong liên tục 1 tuần.

– Tắm nước lá chè xanh:

Lá chè xanh được dùng phổ biến trong điều trị các bệnh da liễu như nổi mề đay, viêm da cơ địa, viêm da dị ứng,… Với các trường hợp bị nổi mẩn ngứa (phát ban) có thể nấu nước lá chè xanh để tắm. Đây là mẹo đơn giản giúp làm giảm ngứa, chống viêm và thúc đẩy tốc độ phục hồi da.

Cần chuẩn bị 1 nắm lá chè xanh đem rửa sạch với nước muối loãng. Sau đó cho vào nồi đun sôi cùng 3 lít nước trong 10 phút. Chắt lấy khoảng 200ml để uống dần trong ngày. Phần nước còn lại đem pha thêm với nước lạnh để tắm 1 lần/ ngày.

– Tắm nước lá bạc hà:

Lá bạc hà cũng là thảo dược có thể dùng để nấu nước tắm khi bị nổi mẩn ngứa khắp người. Bạc hà chứa nhiều thành phần giúp kháng viêm, sát trùng và khử khuẩn hiệu quả như limonen hay camphen. Bên cạnh đó, lượng lớn tinh chất menthol trong thảo dược này còn có khả năng làm dịu da và giảm ngứa.

Chuẩn bị 500g lá bạc hà rửa sạch với nước muối loãng. Sau đó cho vào nồi đun sôi cùng với 5 lít nước trong khoảng 7 – 10 phút. Chờ cho nước có độ ấm vừa phải rồi dùng để tắm toàn thân. Nên áp dụng đều đặn 1 lần/ ngày đến khi triệu chứng giảm hẳn.

3. Điều trị y tế cho chứng nổi mẩn ngứa

Như đã đề cập, một số trường hợp bị phát ban kéo dài kèm theo nhiều triệu chứng đáng quan ngại. Trên da còn có khả năng xuất hiện vết thương hở, bị chảy máu, rỉ dịch,… Lúc này nên kịp thời thăm khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán nguyên nhân và có cách can thiệp điều trị phù hợp.

Thông thường, bác sĩ sẽ kê toa thuốc để khắc phục nhanh triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng xảy ra. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà các loại thuốc khác nhau sẽ được chỉ định cho phù hợp.

Một số loại thuốc có thể được dùng chữa nổi mẩn ngứa bao gồm:

  • Thuốc bôi ngoài da: Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các loại thuốc bôi có chứa Menthol để điều trị. Menthol là hoạt chất có chiết xuất từ lá bạc hà với tác dụng làm mát, gây tê, giảm ngứa ngáy và sưng nóng hiệu quả. Tuy nhiên, các loại thuốc bôi có chứa Menthol chỉ dùng được trên các vùng da không bị chảy máu, rỉ dịch hay lở loét.
  • Thuốc kháng histamin H1: Đây cũng là nhóm thuốc được dùng rất phổ biến khi bị nổi mẩn ngứa (phát ban). Thuốc kháng histamin H1 được dùng theo đường uống để làm giảm tình trạng ngứa ngáy. Đồng thời cải thiện mức độ tổn thương da, tránh phản ứng dị ứng tiến triển nặng. Loại thuốc này được dùng phổ biến trong điều trị dị ứng thời tiết, nổi mề đay mẩn ngứa và một số bệnh da liễu khác.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê toa một số loại thuốc khác. Chẳng hạn như thuốc kháng histamin H2 hay corticoid đường uống. Bất cứ loại thuốc nào cũng cần dùng đúng liều lượng, tần suất và thời gian theo chỉ định của bác sĩ. Nếu thuốc không đáp ứng hay gây ra triệu chứng bất thường thì nên báo ngay cho bác sĩ để được xử lý.

Tình trạng nổi mẩn ngứa (phát ban) có thể liên quan tới nhiều nguyên nhân khác nhau, thường là bệnh da liễu. Nếu tổn thương không thuyên giảm khi áp dụng các mẹo chữa tại nhà thì cần chủ động tìm gặp bác sĩ. Việc điều trị y tế là rất cần thiết nhằm tránh các trường hợp rủi ro phát sinh.

ArrayArray Cập nhật lúc: 4:55 PM , 24/04/2024

Tin liên quan

Nổi Mề Đay Nên Ăn Gì, Kiêng Gì? Lưu Ý Để Nhanh Khỏi

​Vì sao cần kiêng cữ khi nổi mề đay? Nổi mề đay (mày đay) là vấn đề da liễu phổ biến, thường xảy ra do tiếp xúc với các tác...

Mề Đay Cấp Là Gì? Nguy Hiểm Không? Cách Điều Trị

​Mề đay cấp là gì? Mề đay (mày đay) là bệnh da liễu phổ biến nhất và mỗi người sẽ gặp phải bệnh lý này ít nhất một lần trong...

Mề Đay Mãn Tính Là Gì? Nguyên Nhân, Dấu Hiệu và Điều Trị

​Mề đay mãn tính là gì? Mề đay mãn tính là tình trạng phản ứng trên da, các nốt mẩn đỏ và sưng thi nhau xuất hiện rồi biến mất....

Bị Nổi Mẩn Ngứa Khắp Người: Nguyên Nhân và Cách Trị

Nổi mẩn ngứa khắp người là gì? Nổi mẩn ngứa khắp người về bản chất không phải là bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Phổ...

Trẻ Nổi Mẩn Ngứa: Nguyên Nhân, Cách Xử Lý và Điều Trị

Nguyên nhân khiến trẻ nổi mẩn ngứa Nổi mẩn ngứa là hiện tượng làn da của trẻ xuất hiện các nốt mẩn đỏ kèm theo cảm giác ngứa ngáy, khó...

10 Cách Trị Mẩn Ngứa Tại Nhà Hiệu Quả, Hết Ngứa Nhanh

​10 Cách trị dị ứng mẩn ngứa tại nhà đơn giản, hiệu quả Mẩn ngứa là phản ứng của da khi cơ thể bị dị ứng. Tình trạng này đặc...

Array

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *